LOGISTICS: Sàn Giao Dịch Vận Tải Góp Phần Kéo Giảm Chi Phí Logistics
( Duongminhvn.blogspot.com) - Sàn giao dịch vận
tải (SGDVT) đầu tiên vừa chính thức được Bộ GTVT bấm nút khai trương, đi vào
hoạt động.
Sàn giao dịch vận tải
(SGDVT) đầu tiên vừa chính thức được Bộ GTVT bấm nút khai trương, đi vào hoạt
động. Để hiểu rõ hơn về lợi ích và phương thức hoạt động của SGDVT, Báo Giao
thông đã có cuộc trao đổi bàn tròn với lãnh đạo các cơ quan chức năng, doanh nghiệp
liên quan.
Ông
Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN:
Đưa chi phí vận tải về mức hợp lý
SDGVT
đầu tiên mang tên VINATRUCKING đã chính thức đưa vào hoạt động. Vậy theo ông,
đâu là những lợi ích lớn nhất của mô hình này?
SGDVT ra
đời có rất nhiều mục tiêu khác nhau nhưng mục tiêu quan trọng nhất là góp phần
giảm chi phí lưu thông của nền kinh tế hay chúng ta thường gọi là chi phí
logistics. Theo tài liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chi phí
logistics của Việt Nam hiện chiếm trên 20% GDP, là mức rất cao so với các nước.
Như ở Đức chi phí này chỉ chiếm khoảng 6%. Ở một số nước trong khối ASEAN, chi
phí này cũng chỉ chiếm 10 - 15%. Mức chi phí logistics của Việt Nam cao đã làm
giảm sức cạnh tranhcủa hàng hóa kéo theo giảm sức cạnh tranh chung
của nền kinh tế. Chính vì vậy, việc hình thành SGDVT nhằm mục tiêu giảm
chi phí, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa khi chúng ta hội nhập.
Bên cạnh đó, hiện ADB
cũng đang triển khai dự án giảm thiểu khí thải cho các nước Tiểu vùng sông Mê
Kông. Trong ba hợp phần của dự án này có nội dung rất quan trọng là tổ chức
hoạt động vận tải khoa học để giảm lượng xe chạy “rỗng”. Theo tài liệu của ADB,
lượng xe chạy “rỗng” của Việt Nam chiếm khoảng 30 - 50%. Xe chạy “rỗng” làm
tăng tiêu hao nhiên liệu trên một sản lượng vận tải và tăng ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, SGDVT là giải pháp rất cơ bản để giảm thiểu nhiên liệu và giảm ô nhiễm
môi trường, giúp giảm lưu lượng giao thông và đồng nghĩa với giảm ùn tắc và
TNGT…
Theo
ông đâu là lộ trình và giải pháp để tiếp tục phát triển, nhân rộng và sử dụng
có hiệu quả mô hình SGDVT?
Theo dự
kiến, đầu năm 2016 chúng ta sẽ đưa hai SGDVT ở Hà Nội và TP HCM vào hoạt động
trước và sau đó sẽ nhân rộng thêm tại một số thành phố lớn rồi phát triển ra
các tỉnh, thành phố khác để từ đó hình thành SGDVT trong toàn quốc.
Theo
tôi, khi đưa SGDVT vào hoạt động, để đạt được sự thành công như mục tiêu đề ra
rất cần sự phối hợp giữa các Bộ có liên quan như: Bộ GTVT, Bộ Công thương, Bộ
Tài chính… Sở dĩ nói như vậy vì SGDVT hoạt động dựa trên trên hành lang pháp lý
Nghị định số 52 của Chính phủ về thương mại điện tử. Bộ Công thương đã được
Chính phủ giao triển khai, hướng dẫn thực hiện Nghị định 52 nên sẽ là đơn vị
trực tiếp thực hiện việc chỉ đạo, theo dõi, giám sát về hoạt động chuyên môn
của SGDVT. Bộ GTVT sẽ là cơ quan thực hiện chỉ đạo các nội dung về vận tải để
đạt được mục tiêu đề ra. Bộ Tài chính cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong
việc giúp SGDVT đạt được mục tiêu nhanh hay không. Chẳng hạn như hiện nay có
một khối lượng hàng hóa rất lớn được vận chuyển bằng kinh phí Nhà nước. Vì thế,
theo tôi, nên có quy định tổ chức đấu thầu các khối lượng vận tải này trên
SGDVT. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ công bố chỉ số về giá cước bình quân
của một số mặt hàng chủ yếu theo từng quý và theo từng khu vực. Vì thế, nên
chăng, Bộ Tài chính có thể sử dụng thông tin, giá cước bình quân này để làm căn
cứ xem xét quyết toán về mặt tài chính đối với các doanh nghiệp có khối lượng
hàng hóa lưu thông lớn, đảm bảo mục tiêu giảm chi phí hàng hoá, giảm chi phí
logistics của nền kinh tế...
Giai
đoạn đầu đi vào hoạt động chắc chắn SGDVT sẽ có những khó khăn nhất định. Tổng
cục Đường bộ VN sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, trao đổi với các
Sở GTVT và doanh nghiệp để tạo điều kiện kết nối với các chủ hàng, đơn vị vận
tải. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp hướng dẫn, tư vấn để SGDVT hoạt động hiệu quả.
Tổng cục cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn để phát triển thêm các SGDVT, dần hình
thành hệ thống SGDVT kết nối với nhau để nâng cao hơn nữa hoạt động của mô hình
này. Đặc biệt, Tổng cục cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Bộ GTVT và các Bộ
ngành có liên quan ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy việc giao dịch vận
tải qua sàn nhằm thực hiện chủ trương công khai minh bạch, trong hoạt động vận
tải, thúc đẩy thị trường vận tải phát triển lành mạnh.
Ông Hoàng Quang Ngọc, Giám đốc Công
ty vận tải Hoàng Hà (Hà Nội):
Không phải chạy “rỗng” có thể giảm tới
40% cước vận tải
Từ trước đến nay tỷ lệ chạy “rỗng” chiều về của các doanh nghiệp luôn ở
mức 60 - 70%. Thậm chí ở các tuyến ngắn dưới 300 km tỷ lệ này thường là 100%.
Chi phí này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng dịch vụ vận tải. Đối với
doanh nghiệp vận tải, khi chạy “rỗng” chiều về, chúng tôi thường áp giá tương
đương với khoảng 60 - 70% tổng mức giá cước. Nếu phải chạy chuyến hàng một
chiều thì người có nhu cầu vận chuyển sẽ phải chịu toàn bộ chi phí chiều
“rỗng”. Tận dụng được chạy hai chiều có hàng, tôi nghĩ chi phí cước vận tải sẽ
giảm được 30 - 40%.
Chẳng
hạn, nếu chạy một chuyến hàng từ Hải Phòng lên Hà Nội mà bị “rỗng” một chiều
thì cước có thể là 200 nghìn đồng/tấn hàng nhưng nếu có cả hàng chiều đi lẫn
chiều về thì có khi chỉ còn 120 - 140 nghìn đồng/tấn hàng. Vì vậy, nếu sử dụng
tốt SGDVT sẽ giảm giá cước do hạn chế chiều chạy “rỗng”. Các đơn vị vận chuyển
sẽ phát huy những chuyến cước hai chiều thông qua việc tìm kiếm thông tin trên
SGDVT để tăng hiệu quả, có lợi cho cả người sử dụng vận tải lẫn doanh nghiệp
vận tải.
Ông
Tạ Công Thuận, Giám đốc Công ty TNHH TM Điện tử Vinh Hiển - Chủ đầu tư SGDVT
VINATRUCKING:
Mục tiêu của chúng tôi không phải vì
lợi nhuận
SGDVT
VINATRUCKING ra đời không nhằm mục đích kinh doanh lợi nhuận, mà tập trung vào
xây dựng một sân chơi cho những giao dịch của các đơn vị vận tải, các đơn vị có
nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách. Họ có thể liên hệ với nhau để có mức
cước và dịch vụ vận tải tốt nhất, góp phần minh bạch nhất - cạnh tranh nhất đối
với giá cước và dịch vụ vận tải ở Việt Nam.
Khi xây
dựng SGDVT VINATRUCKING, chúng tôi không chủ tâm sẽ là chủ sở hữu SGDVT này mà
thực sự mong muốn VINATRUCKING sẽ là một công cụ để Bộ GTVT và Tổng cục Đường
bộ VN thông qua đó quản lý và kiểm soát được hoạt động vận tải hàng hóa nói
riêng và hoạt động vận tải nói chung. Các đơn vị chủ hàng, các doanh nghiệp vận
tải đường bộ, đường thủy, hàng hải - hàng không và đường sắt có thể cùng chung
tay xây dựng một SGDVT của Việt Nam mang tầm vóc khu vực....
Ông
Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQTCông ty CP Vận tải số 2 (Hà Nội):
SGDVT giúp minh bạch thị trường vận tải
Về nguyên tắc, bất kỳ sàn giao dịch nào đều thể hiện tính minh bạch rất
cao, chống cạnh tranh không lành mạnh. Đối với SGDVT, nếu chúng ta làm được
hiệu quả sẽ rất tốt. Tuy nhiên, theo tôi chúng ta cũng nên làm tốt hơn nữa công
tác quản lý vận tải. Có như vậy mới chống được cạnh tranh không lành mạnh.
Hiện nay, chúng ta mới quản lý được vận tải khách tuyến cố định, xe buýt,
taxi còn vận tải hàng hóa thì chưa quản lý được. Hiện, vẫn còn tàn dư của tình
trạng người người có xe, nhà nhà có xe, mỗi người chỉ có một phương tiện cũng
tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa nên rất khó quản lý. Khi không quản lý
được, với các doanh nghiệp có quy mô, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà
nước, chắc chắn chi phí sẽ cao hơn so với các cá nhân, cá thể có một phương
tiện dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt, không lành mạnh.
Nguồn: Theo báo Giao
thông
CÔNG TY TNHH GIAO NHẬN VẬN TẢI QUỐC TẾ DƯƠNG MINH
Địa chỉ: 59 Trần Đình Xu,phường Cầu Kho, quận 1
Điện thoại: (08) 3837 1177
Email: hoa@duongminhvn.com
LOGISTICS: Sàn Giao Dịch Vận Tải Góp Phần Kéo Giảm Chi Phí Logistics
Reviewed by Unknown
on
19:05
Rating:
Post a Comment