LOGISTICS: Liên Kết, Tạo Sức Mạnh Cho Ngành Logistics
( Duongminhvn.com) - Xu thế hội nhập đang mở ra cơ hội phát triển lớn cho nền
kinh tế đất nước trong sân chơi toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng thương mại và
xuất khẩu, đồng thời còn tạo ra “thời cơ vàng” cho ngành logistics (giao nhận
và kho vận).
Tuy nhiên, do hầu hết
doanh nghiệp (DN) logistics trong nước quy mô nhỏ, năng lực yếu, vì thế chỉ có
sự liên kết mới tạo sức mạnh tập thể cho ngành đầy tiềm năng này vượt qua thách
thức trong cuộc đối đầu với các “đại gia” quốc tế và nắm bắt tốt cơ hội do hội
nhập mang lại.
Cơ hội và thách thức
từ hội nhập
Những năm vừa qua, nhờ chủ động hội nhập ngày càng
sâu rộng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận trong phát triển
kinh tế, nhất là ở lĩnh vực thương mại. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nước ta
đạt hơn 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013; kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng
148 tỷ USD (tăng 12,1%). Trong đó, với vai trò là “xương sống” của hoạt động
thương mại, ngành logistics cũng có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Theo đánh giá
của nhiều chuyên gia, các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác
Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhất là Cộng đồng kinh tế
ASEAN (AEC) sẽ tạo ra bước ngoặt lớn, là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy ngành
logistics phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn mang lại lợi ích to lớn. Trưởng Văn phòng
đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) tại Hà Nội Nguyễn Tương cho rằng:
Nói một cách ngắn gọn, sau khi các FTA có hiệu lực, “cánh cửa” thị trường sẽ
“mở toang”. Điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy đầu tư vào sản xuất, tạo đà tăng
trưởng xuất nhập khẩu và cũng là tiền đề để logistics có cơ hội phát triển. Tuy
nhiên, mở cửa thị trường đồng nghĩa với việc cho phép các DN logistics nước
ngoài tiếp tục được đầu tư “sâu” hơn vào Việt Nam, gây sức ép nhiều hơn lên các
DN trong nước vốn đã luôn “lép vế” trong cuộc đua không cân sức.
Bức
tranh toàn cảnh của thị trường logistics hiện nay đã chỉ ra thực tế đáng buồn:
Các DN trong nước đang “thua ngay trên sân nhà”. Hơn 1.200 DN cung cấp dịch vụ
logistics nội địa tại thị trường Việt Nam chỉ chiếm 20% thị phần, còn lại
khoảng 30 công ty logistics xuyên quốc gia chiếm tới 80% thị phần. Các DN
logistics trong nước có quy mô nhỏ, vốn ít, cơ cấu tổ chức đơn giản và không
chuyên sâu, chỉ đủ khả năng đảm nhận những phần việc đơn giản nhất trong chuỗi
dịch vụ logistics, như: Kho bãi, làm thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa,...
hoặc làm đại lý cho các DN nước ngoài. Do thiếu tin tưởng vào các DN trong
nước, hầu hết các đơn hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đều phải “nhường” quyền
quyết định về vận tải cho phía nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc rất
nhiều DN logistics trong nước đang phải “chầu rìa” trong sân chơi vận tải quốc
tế, nhất là vận tải biển.
Thời gian qua, các DN logistics Việt Nam chưa thật sự tìm được tiếng nói
chung với các DN xuất nhập khẩu, thiếu sự gắn bó, thúc đẩy phát triển chung cho
cộng đồng DN Việt Nam. Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Vận tải biển Vũng
Tàu (Vungtauship) Nguyễn Khắc Du chia sẻ: Qua thống kê, các tập đoàn hàng hải
lớn trên thế giới như APL, Mitsui OSK, Maerk Logistics,... đều đã xâm nhập,
củng cố và chiếm lĩnh phần lớn thị trường trong nước. Trong lĩnh vực khai thác
cảng biển, vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 85% và vẫn tiếp tục tăng, kèm theo
đó, quyền lợi khai thác cảng của DN vận tải biển nước ngoài cũng tăng lên,
khiến DN trong nước rất khó cạnh tranh về giá. Chi phí tăng cao, lãi suất ngân hàng
lớn, trong khi hoạt động ngày càng khó khăn,... đã đẩy nhiều DN phải phá giá
dịch vụ, dẫn đến tình trạng “gà nhà đá nhau”. Điều đáng nói, rất ít người ý
thức rằng, nếu thị phần logistics bị DN nước ngoài chi phối, có thể dẫn đến
việc không kiểm soát được phí dịch vụ, phần thiệt sẽ lại thuộc về các DN xuất
nhập khẩu trong nước.
Khách hàng làm thủ
tục giao dịch tại văn phòng đại diện Trung tâm dịch vụ Logistics Tân Cảng(Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn), ở
Khu công nghiệp Phước Đông (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh).
Tập trung sức mạnh
Bức
tranh thị phần hiện nay cũng phần nào phản ánh tương quan lực lượng giữa DN
logictics trong và ngoài nước. Để có thể giành lại “phần bánh” của mình, DN
trong nước cần chủ động đầu tư, đổi mới nhằm nâng cao năng lực và hoàn thiện
chính mình; đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà
nước. Trước hết, DN muốn đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, phát triển
sản xuất,... đều cần hỗ trợ về vốn. Trong khi đó, chưa nói đến vốn vay ưu đãi,
riêng việc tiếp cận các nguồn vốn thương mại cũng là chặng đường đầy chông gai
đối với DN logistics. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu cũng là
một trong những nguyên nhân cơ bản kéo tụt sức cạnh tranh của DN logistics nội.
Vì vậy, những chính sách hỗ trợ vốn, cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng
cao cho DN logistics trong nước là những việc Nhà nước nên tập trung giải quyết
ngay nhằm giúp họ bứt phá, bắt kịp với thế giới. Các DN logistics nhỏ có thể
cùng đầu tư hoặc liên doanh, liên kết về vốn, công nghệ để tạo thành tổ hợp
kinh doanh dịch vụ logistics. Nếu liên kết và kinh doanh các khâu có hiệu quả,
cộng thêm lợi thế sân nhà, các DN nội hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội, lợi thế
để cạnh tranh ngang bằng với DN nước ngoài. Thêm vào đó, các DN nội quy mô nhỏ
nên chủ động liên kết ngân hàng, đưa ra gói kết hợp dịch vụ tài chính -
logistics, nhằm cung cấp cho các công ty xuất nhập khẩu một dịch vụ trọn gói từ
thủ tục hải quan, vận tải đến vay thanh toán tiền ngay tại kho và chỉ cần thông
qua một đầu mối. Theo nghiên cứu, giải pháp tài chính - logistics khép kín sẽ
tiết giảm cho DN 5% chi phí logistics và khoảng 20% chi phí thanh toán quốc tế.
Vai trò quản lý của Nhà nước đối với dịch vụ logistics mà trực tiếp là Bộ
Công thương cần được phát huy một cách hiệu quả, nhằm khuyến khích các DN xuất
nhập khẩu ưu tiên dịch vụ logistics trong nước. Tuy nhiên, quan trọng nhất là
bản thân ngành logistics phải ý thức tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm
giá thành để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Các DN logistics phải luôn
song hành cùng các DN xuất nhập khẩu; nỗ lực tư vấn, cung cấp giải pháp tối ưu,
chuỗi cung ứng hiệu quả nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa và dịch vụ
Việt. Về vấn đề này, Thứ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Trong thời
gian tới, Bộ Công thương sẽ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các DN xuất nhập
khẩu cải thiện năng lực kinh doanh, xây dựng thương hiệu,... nhằm giành thế chủ
động hơn trong đàm phán hợp đồng để thay đổi tập quán “mua đứt, bán đoạn”, tạo
điều kiện nhiều hơn cho ngành logistics trong nước phát triển.
Thực tế cho thấy, ngành logistics nước ta tuy còn non trẻ, nhưng đã phát
triển mạnh mẽ trong những năm qua và được xem là đòn bẩy quan trọng, thúc đẩy
kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất là quản lý nhà nước
trong lĩnh vực này lại chưa theo kịp sự phát triển. Lãnh đạo một DN logistics
tâm sự: Do chưa có cơ quan chủ quản tập trung đầu mối quản lý và chưa có thủ
tục hành chính một cửa cho ngành này, cho nên những DN kinh doanh dịch vụ
logistics phải chịu sự quản lý chồng chéo của rất nhiều cơ quan quản lý khác
nhau. Thậm chí, một việc nhưng phải xin giấy phép của hai, ba cơ quan quản lý
đã làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của các DN trong nước, khiến giá dịch vụ
luôn cao hơn so với các DN nước ngoài. Để giải quyết vấn đề này, theo quan điểm
của chúng tôi, nên tập trung, sắp xếp lại việc quản lý nhà nước đối với ngành
logistics vào một đầu mối duy nhất, bằng cách thành lập Ủy ban Logistics quốc
gia để có thể gắn kết, thống nhất quản lý và phối hợp các ngành hiệu quả hơn.
Ủy ban này có vai trò đầu mối, “nhạc trưởng” trong việc thực thi các chương
trình, mục tiêu chung của ngành, có đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn để phối
hợp các bộ, ngành; tham gia tư vấn quy hoạch và chiến lược tổng thể phát triển
logistics của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Trong quá trình hoạt động
của Ủy ban, các hiệp hội và chủ yếu là VLA cần làm tốt vai trò là cầu nối trong
việc phản ánh nguyện vọng của DN, cũng như tham gia tư vấn về chính sách cho cơ
quan quản lý; tạo mối gắn kết giữa các DN thành viên, hỗ trợ thiết thực và giúp
đỡ DN nâng cao tính chuyên nghiệp trong cạnh tranh.
Với các
con số về thị phần và thực trạng của những nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt
Nam là rất khiêm tốn và ít ỏi, cho thấy thị trường này chủ yếu đang nằm trong
tay các công ty nước ngoài. Một số DN trong nước đã tiến hành các dịch vụ
logistics bên thứ ba (3PL - third party logistics), nhưng sự “bứt phá” này vẫn
chưa bền vững, còn thiếu về chuyên nghiệp, kỹ năng, mạng lưới, công nghệ,... Sự
cạnh tranh về giá, hoạt động manh mún, chụp giật lẫn nhau, làm thuê cho các công
ty nước ngoài ngay tại sân nhà... vẫn là tình trạng chung của các nhà cung cấp
dịch vụ logistics Việt Nam.(Trần Tuấn Anh,Thứ trưởng Công thương)
Nguồn: Theo Nhân dân
điện tử.
CÔNG TY TNHH GIAO NHẬN
VẬN TẢI QUỐC TẾ DƯƠNG MINH
Địa chỉ: 59 Trần Đình
Xu,phường Cầu Kho, quận 1
Điện thoại: (08) 3837
1177
Email:
hoa@duongminhvn.com
LOGISTICS: Liên Kết, Tạo Sức Mạnh Cho Ngành Logistics
Reviewed by Unknown
on
18:20
Rating:
Post a Comment